Tôi – Bác sĩ Hải Yến, tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Y học cổ truyền tại Đại học Y dược Huế.

Đã có thời gian làm việc 2 năm tại cơ sở y tế công lập, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước. Sau đó kiêm nhiệm chuyên môn khám chữa bệnh, bốc thuốc Nam, Đông dược tại Trung Tâm Đông Y Chân Nguyên. Hiện tại công tác tại Bệnh viện đa khoa Phương Đông, với vai trò phụ trách chuyên môn Y học cổ truyền.

Suốt thời gian học tập, đi lâm sàng, lăn lộn qua khắp các viện ở Huế, tôi càng thấm thía cái nghề cái nghiệp mà mình vốn xem như một giấc mơ màu hồng.

Thời còn học cấp 2, tôi vốn học khá môn tiếng Anh, lúc đó tôi mơ hồ nghĩ đến tương lai có lẽ mình sẽ theo nghề du lịch hoặc một ngành nghề đại loại sau này sẽ dùng tiếng Anh để giao tiếp nhiều với người nước ngoài! Nhưng rồi dần dần, không biết từ khi nào, mong muốn được khoác áo blouse càng ngày càng lớn dần trong tôi. Thời đó, nhà không có máy tính, cũng không có smart phone, mọi thông tin đều từ chiếc tivi cũ của bố. Những năm đó, tôi nhát cáy, không dám ra tiệm net tìm hiểu thêm về ngành nghề, vì cứ nghĩ ra tiệm net là hư. Khờ dại thật! Bởi vậy, trong trí tưởng tượng lúc bấy giờ của tôi, bác sĩ là một nghề cao cả, khoác chiếc áo trắng tinh khôi, cứu giúp người bệnh – Một hình tượng như thiên sứ.

Cho đến lúc vào trường Đại học, được học những môn cơ sở – tôi cảm giác như đây không phải môi trường mình mong muốn, tại sao lại bắt tôi phải học Toán nữa, tôi cứ nghĩ vẩn vơ về những kiến thức chữa bệnh, thăm khám khi nào mình mới được học nhỉ?! Rồi đến năm 2, năm 3 là những năm bắt đầu được đi thực tập, được tiếp xúc với người bệnh thật sự. Những ngày đầu thực tập bỡ ngỡ, rụt rè đan xem niềm vui tột độ khi được người bệnh gọi là “bác sĩ”, đúng là niềm vui “trẻ con” của các Y nhỏ. 

Rồi các đợt thi liên tiếp, thi lý thuyết, thi thực hành, thi chạy trạm, thi vấn đáp, đây có lẽ đều là những cụm từ quá đỗi quen thuộc với ai từng học Y, ám ảnh nhất với mọi người hẳn là thi chạy trạm. Lúc này giấc mơ của tôi đã bớt đi màu hồng. Cho đến những năm Y lớn hơn, hay còn gọi Y già (năm thứ 5, thứ 6) thì ngày càng thấy nhiều áp lực. Nhưng áp lực thật sự thì chắc chắn vẫn đang chờ ta phía trước. Đúng là như vậy, chính là thời điểm sau tốt nghiệp Đại học, thì mỗi Bác sĩ đều cần có thời gian 18 tháng hành nghề mới được quyền ký chữ ký chính thức đầu tiên. Tôi nhớ như in ngày được nhận dấu mộc khắc tên ” BS Phạm Thị Hải Yến”, lúc đó vừa vui mừng, vừa nén tiếng hít vào khe khẽ, bởi từ nay tôi đã chính thức tự chịu trách nhiệm về những y lệnh cho người bệnh…

Với mong muốn hướng tới cộng đồng khỏe mạnh, tôi đã xây dựng một website chia sẻ kiến thức y học chính thống tới mọi người. Cũng là nơi có thể chia sẻ những câu chuyện nghề vui buồn lẫn lộn. 

bac-si-hai-yen
Ảnh chụp năm tốt nghiệp Đại học cùng các bạn, giờ thì đều đã là những Bác sĩ rôi.