Cứu ngải như thế nào?
Có 2 phương pháp cứu ngải, đó là cứu trực tiếp và cứu gián tiếp.
Cứu trực tiếp là đặt mồi ngải trực tiếp lên vị trí huyệt chủ trị rồi đốt từ đỉnh mồi ngải. Khi mồi ngải cháy gần hết, nếu vùng da có cảm giác nóng quá thì thay bằng mồi khác. Tùy theo mục đích và bệnh nặng hay nhẹ mà dùng mồi ngải số lượng ít nhiều, kích thước lớn nhỏ tùy ý. Có thể dùng điếu ngải đốt và hơ trực tiếp trên huyệt định cứu.
Cứu gián tiếp là đặt mồi ngải lên trên các vị thuốc lót sẵn trên huyệt. Tùy dụng ý điều trị mà chọn vị thuốc khác nhau để lót. Thông thường có cứu cách gừng, cứu cách tỏi, cứu cách muối.
Cứu ngải cách gừng: Dùng gừng tươi thát lát mỏng chừng 3 – 5 mm, đường kính khoảng 1-1,5 cm. Dùng kim đâm nhiều lỗ trên lát gừng và đặt lát gừng lên huyệt cần cứu. Sau đó đặt mồi ngải lên phía trên lát gừng, đốt từ đỉnh mồi ngải. Khi mồi ngải cháy gần hết mà có cảm giác vùng da cứu bị nóng bỏng thì thay mồi ngải khác. Nếu lát gừng cháy khô thì thay mới bằng lát khác. Thường dùng khi nôn mửa, đau nhức xương khớp do hư hoặc thực hàn.

Cứu ngải cách tỏi: Dùng tỏi thái lát như cách cứu cách gừng ở trên, cách làm tương tự. Thường dùng trong trường hợp mụn nhọt mới mọc, lao phổi.
Cứu ngải cách muối: Thường dùng khi cứu huyệt Thần khuyết (huyệt ngay tại vị trí lỗ rốn). Dùng muối lấp đầy lỗ rốn, rồi sau đó đặt mồi ngải lên phía trên huyệt rồi đốt cháy từ đỉnh mồi. Khi vùng được cứu có cảm giác nóng bỏng thì thay mồi ngải khác. Cứu Thần khuyết khi có lạnh toát tay chân, đau bụng thổ tả, cấp cứu trong choáng trụy mạch, huyết áp tụt, vã mồ hôi.
Ngoài ra còn có thể dùng kết hợp châm và cứu. Gắn các điếu ngải ngắn lên đốc kim hoặc đốt điếu ngải và hơ trên các đốc kim khi châm cho người bệnh, hơ đến khi người bệnh có cảm giác nóng bỏng thì di chuyển qua vị trí kim châm khác. Thường dùng khi dương khí hư suy, các huyệt vùng mặt hoặc các huyệt sát gân xương mà không cứu được trực tiếp.

Một số bệnh dùng cứu ngải cho hiệu quả cao
Theo Đông y, cơ thể có các đường kinh mạch chạy khắp cơ thể, nối liền các huyệt vị với nhau giúp lưu thông khí huyết để cơ thể hoạt động bình thường. Có một số nhóm huyệt được ví như bài thuốc tiên giúp kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai linh hoạt của cơ thể.
Để đạt hiệu quả điều trị và phòng bệnh khi cứu ngải không chỉ cần am hiểu lý luận bệnh học mà cần biết nguyên tắc âm dương như sau: Cứu huyệt ở đường kinh dương trước, đường kinh âm sau; cứu trên trước, dưới sau (từ trên xuống dưới); cứu bên trái trước, bên phải sau. Sau khi cứu không nên uống trà ngay, không nên ăn ngay tránh cho hỏa khí bị giải, kinh khí bị trệ mà làm giảm đi hiệu quả. Người được cứu cần nghỉ ngơi yên tĩnh từ 30 phút – 1 giờ.
Vị thần châm Dương Kế Châu đã có nói trong cuốn Châm cứu Đại thành rằng: “Phục dược tam niên bất như cứu ngải nhất tráng”, nghĩa là uống thuốc 3 năm không bằng một mồi cứu ngải. Dưới đây là liệt kê một số bệnh lý và cách dưỡng sinh đạt được công hiệu nhờ cứu ngải.
Bệnh thuộc hệ tiết niệu như tiểu són, tiểu rắt, tiểu đục: Dùng muối rang nóng, lấp đầy vùng rốn rồi cứu liên tuc 7 mồi; hoặc cứu 3 mồi ngay tại huyệt Tam âm giao (Huyệt Tam âm giao cách điểm lồi mắt cá chân trong – do lên trên 3 thốn, ở mặt sau trong xương chày).
Vọp bẻ chân (chuột rút): Cứu 14 mồi ngải tại huyệt Thừa sơn (Huyệt tại ví trí chỗ lõm giữa cẳng chân, nơi giao giữa cơ sinh đôi ngoài và trong)
Bệnh lâu ngày, ra mồ hôi trộm, nóng lòng bàn tay chân, nóng trong xương, người gầy mệt mỏi, da vàng: Cứu huyệt Tâm du, mỗi lần cứu 1 mồi ngải. Huyệt Tâm du ở ngang đốt sống lưng 5 đo ngang ra 2 bên 1,5 thốn.
Phụ nữ sau sinh không có sữa: Cứu huyệt Chiên trung (Ở điểm giữa đường nối 2 núm vú) và châm bổ huyệt Thiếu hải (co cẳng tay gập vào cánh tay, huyệt tại đầu trong nếp gấp khuỷu tay).
Tăng sức đề kháng, kéo dài tuổi thọ: Cứu ấm thường xuyên các huyệt Quan nguyên (nằm trên đường giữa – phía dưới rốn 3 thốn), Khí hải (nằm trên đường giữa – phía dưới rốn 1,5 thốn), Túc tam lý (cách bờ dưới xương bánh chè 3 thốn, nằm cách mào xương chày 1 khoát ngón tay).Tốt nhất là thực hiện vào mùa đông.
Ngoài ra còn rất nhiều ứng dụng điều trị khác nhờ phương pháp cứu ngải, kết hợp cả những sáng tạo dụng cụ cứu để tránh tốn quá nhiều thời gian cho các ca bệnh cần cứu ngải.
Tóm lại, để đạt được sức khỏe tốt thì không chỉ cần dựa vào các phương pháp bên ngoài mà chúng ta cần có những bước dưỡng sinh để khỏe mạnh từ bên trong. Và nếu như các phương pháp bổ trợ kết hợp được với nhau thì sẽ đem lại công hiệu đẩy lùi bệnh tật.