Thương chồng nấu cháo le le

htthuong-chong-nau-chao-le-le

Le le có tên khoa học Anas platyrhynchos, thuộc lớp chim, sống thành bầy hoang dã tại những nơi chúng ưa thích. Môi trường sống tại các hồ nước ngọt với nhiều loại thực vật, do thức ăn của le le là hạt và các loại thực vật khác nhau. Le le thường bị nhầm lẫn với vịt trời. Tuy nhiên chúng có những đặc điểm nổi bật giúp dễ dàng phân biệt như chỏm lông trên đầu sẫm màu hơn so với lông vùng cổ; lưng và hai cánh màu xám sẫm, với các mảng màu nâu hạt dẻ trên cánh và đuôi. Le le phát ra tiếng kêu hơi khò khè khi bay, thường làm tổ trên các hốc cây, đẻ từ 6 -12 trứng.

thuong-chong-nau-chao-le-le‎
Chim le le đang bơi lội kiếm ăn miền sông nước

Trước đây người ta chỉ thấy le le sống hoang dã. Từ khi những món ăn chế biến từ le le trở thành thương hiệu ẩm thực trị liệu, đem lại lợi nhuận kinh tế, le le đã được nuôi nhân tạo tại nhiều vùng, đặc biệt là miền sông nước Tây Nam Bộ. Cháo le le là một trong những món ăn đặc sản níu chân du khách khi đến thăm thú ở miền Tây.

Vì sao thương chồng lại nấu cháo le le?

Theo Đông y, thịt chim le le tính nóng, có tác dụng bổ khuyết, cường tráng sinh lực, tốt cho người khí huyết hư suy. Vì vậy cháo le le là một món ăn bổ dưỡng, bồi bổ cơ thể rất tốt, đặc biệt tốt cho các đấng mày râu. Chính vì lẽ đó mà món ăn này đã được nhắc đến từ những thơ ca trong dân gian: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen”. Những câu từ mộc mạc vừa thể hiện tình yêu thương của người vợ vừa thể hiện nét đẹp ẩm thực đồng quê Việt. Để phong phú món ăn, có thể thêm các vị thuốc khác cùng với thịt chim le le chế thành nhiều món bổ dưỡng khác nhau. Hãy cùng xem các công thức tạo nên những món ăn bài thuốc dưới đây.

Món cháo le le đậu xanh

Cách làm le le cũng giống như làm vịt, chặt thịt chim thành từng miếng, hoặc có thể băm nhỏ. Sau đó ướp gia vị như tiêu, hành, tỏi, hạt nêm, nước mắm và chút rượu xào đến khi chín và có mùi thơm. Để riêng phần thịt chín ra đĩa, cho lượng nước đủ dùng nấu cháo, cho thêm đậu xanh đã bỏ vỏ. Chờ cháo nhừ nêm nếm gia vị vừa ăn. Múc cháo ra bát và rải thịt le le đã xào chín lên phía trên, thêm gừng thái chỉ và tiêu xay. Có thể ăn cháo riêng hoặc ăn kèm với gỏi bắp cải. Món cháo le le tính nóng thêm đậu xanh tính mát là vừa đủ quân bình âm dương, món ăn vừa bổ dưỡng vừa cân bằng, phù hợp cho người mới ốm dậy hoặc người lao động mệt nhọc, sức khỏe suy yếu.

thuong-chong-nau-chao-le-le
Cháo le le đậu xanh bổ dưỡng khí huyết

Xôi le le

Chuẩn bị thịt le le, gạo nếp, hành tím, rau răm, nấm nèo, dầu ăn, gia vị vừa đủ nấu ăn. Thịt le le luộc chín bỏ xương, nấm mèo đều băm nhỏ nêm gia vị xào chín thơm, sau đó bó xôi chiên cho đến vàng bên ngoài là được. Xương le le để nấu nước dùng cho canh khoai tây, cà rốt ăn cùng. Món này phù hợp cho những người ăn kém ngon miệng, khó tăng cân.

thuong-chong-nau-chao-le-le
 Xôi le le thơm giòn bổ dưỡng

Thịt chim le le hầm củ sen

Chuẩn bị nguyên liệu gồm: Thịt le le, củ sen, cà rốt, khoai tây, nấm hương, gừng tiêu, hành ngò gia vị vừa đủ hầm ăn. Cách làm thịt le le thì như cách làm vịt. Xáo thịt le le cùng hành tỏi cho thơm, cho riêng ra đĩa. Cho vừa đủ nước dùng hầm cà rốt, khoai tây trước tạo độ ngọt, sau đó lần lượt cho củ sen, nấm hương vào nêm gia vị vừa ăn, hầm chín. Múc canh ra bát và rải thịt lên phía trên. Món ăn này phù hợp cho những người ăn uống tiêu hóa kém, hay nê trệ có kèm theo mất ngủ.

thuong-chong-nau-chao-le-le
Le le hầm củ sen vừa thanh vừa bổ

Thịt chim le le hầm lá ngải

Đây là món ăn rất tốt cho chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều, lãnh cảm, hay mệt mỏi. Nguyên liệu cho món ăn bao gồm: Thịt le le 1 con, rau ngải cứu, đậu xanh, gừng tiêu, hành ngò gia vị vừa đủ hầm ăn. Nên dùng vài lần một tuần để đạt được tác dụng bồi bổ.

Món ăn từ le le mang lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng, thịt chim le le loại bổ dưỡng cao, giàu chất đạm, chất béo, nên kiêng hạn chế với người đang cần giảm cân, đang đau khớp do bệnh gout. Đối với người có nước tiểu vàng đậm, đi tiểu buốt gắt, chứng mụn nhọt đang giai đoạn sưng nóng đỏ cũng nên kiêng.

Trong bài mới chỉ đưa ra những món đơn giản và dễ áp dụng. Tùy theo từng địa phương khâu nêm nếm gia vị sẽ khác nhau, phù hợp với khẩu vị vùng miền. Tựu chung lại thì món ăn bổ dưỡng nào cũng cần kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh, dưỡng sinh phù hợp và lối sống tích cực sẽ đem lại sức khỏe dẻo dai và bền bỉ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hãy nhận xét nội dung của tôi !